Hỗ trợ trực tuyến
Đường dây nóng
    0913728777 - 0917348879
    08.39911245 - 08.39918407
Dành cho quảng cáo

Nộp phạt vi phạm giao thông bằng tem

Đó là đề xuất vừa được Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam gửi các cơ quan liên quan, liên quan đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình nộp phạt vi phạm giao thông.

Phát hành tem có giá trị như tiền 

 

Lý giải về đề xuất của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô cho rằng, lái xe khi tham gia giao thông bị xử phạt ở rất nhiều nơi, thậm chí có tình trạng, lái xe sinh sống, làm việc ở Hà Nội, nhưng khi vào TP HCM thì bị xử phạt, giữ giấy phép lái xe (GPLX) và các loại giấy tờ khác. Nhiều người do đặc thù công việc chưa thể nộp phạt ngay nên sau khi về Hà Nội lại phải quay vào TP HCM để nộp phạt. Như vậy, riêng chi phí đi lại đã tốn kém thêm đến 3 - 4 triệu đồng, vừa phiền hà, vừa lãng phí.

 

Cùng quan điểm này, ông Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cũng cho rằng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hiện rất rườm rà, mất rất nhiều thời gian đi lại, lãng phí thời gian và tiền bạc, gây bức xúc cho người vi phạm.

 

Để giải quyết tình trạng trên, Hiệp hội vận tải ô-tô đề xuất Nhà nước ban hành tem nộp phạt với giá trị tương đương tiền. Ví dụ một tem có giá trị tương đương 20.000 hoặc 50.000 đồng… Những chiếc tem này sẽ được bán tại các bưu điện hoặc nhiều địa điểm khác nhau. Lái xe có thể mua sẵn để dự phòng, khi bị phạt thì thay vì phải đến ngân hàng, kho bạc, họ có thể nộp phạt bằng tem ngay tại chỗ. Các cơ quan chức sau khi thu phạt bằng tem thì gắn tem trực tiếp vào biên bản xử phạt. Làm như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực và tránh được tình trạng gây tốn kém cho người bị phạt nói riêng và xã hội nói chung. “Phải đổi mới cách thức xử phạt và nộp phạt, sao cho tình trạng phiền nhiễu trên không còn nữa. Bởi chính những phiền nhiễu ấy đang là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra những tiêu cực”, ông Hùng nói.  

Đã có cơ chế 

 

Theo ông Trần Sơn Hà, cần nghiên cứu thống nhất phát hành tem có giá trị tiền đồng Việt Nam ở các mệnh giá khác nhau. Bên cạnh đó, thống nhất quy định người có giấy phép lái xe ô tô bắt buộc phải mở tài khoản tại ngân hàng. Trong tài khoản đó luôn phải có số tiền ít nhất là 10 triệu đồng để người vi phạm khi thực hiện quyết định xử phạt có thể nộp phạt được ngay; hoặc người có thẩm quyền thông báo cho ngân hàng khấu trừ qua tài khoản. Ông Hà cũng cho biết Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2008 đã cho phép trừ tiền phạt vi phạm giao thông vào tài khoản cá nhân. Nhưng thực tế, giữa cơ quan có thẩm quyền xử phạt với hệ thống ngân hàng, kho bạc chưa liên thông với nhau. Ngoài ra, kho bạc thường không làm việc vào các ngày nghỉ, ngày lễ và không thường xuyên trực 24/24 giờ và phần lớn người vi phạm về an toàn giao thông không có tài khoản tại ngân hàng mà thường sử dụng tiền mặt để nộp phạt. Những vấn đề trên khiến quá trình xử phạt, nộp phạt thêm khó khăn và phức tạp.

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho biết, các cơ chế giải quyết tình trạng này đã được quy định trong Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Vấn đề còn lại là sự liên kết giữa hệ thống ngân hàng và cơ chế về tài chính. Cần phải xem xét, điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn kinh phí xử phạt giữa các địa phương như thế nào để không làm ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương đó vì hiện nay, tiền nộp phạt vi phạm pháp luật ATGT là nguồn kinh phí do các địa phương quản lý.

Vui lòng nhập số vận đơn gồm 6 ký tự
(Ví dụ: 061462)